Tọa lạc ở vị trí đẹp, nơi giao thoa giữa đất trời có núi, có sông và phong cảnh hữu tình chùa Châu Thới Bình Dương thu hút đông đảo mọi người đến đây khám phá. Do đó, nơi này đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhất Bình Dương.
Khi đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, toàn bộ khu vực dưới chân núi hiện ra trong tầm mắt mình như mảng xanh của cây rừng, dòng sông êm đềm và dòng người hối hả… Khi đến đây, bạn nên gạt bỏ cuộc sống thường ngày để hoàn toàn tận hưởng bầu không khí trong lành, tiếng chim hót véo von, tiếng gió thổi nhè nhẹ cộng với tiếng chùa ngân vang.
Ở đây khoảng một buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy tâm thanh tịnh, tinh thần thoải mái như trút bỏ mọi lo âu buồn phiền trong cuộc sống.
Chùa Châu Thới ở đâu?
Chùa Châu Thới tọa lạc tại núi Châu Thới đường quốc lộ 1K, một ngọn núi ở xã Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây được mệnh danh là một thắng cảnh giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Với độ cao cách mặt nước biển 82m, ngôi chùa ẩn hiện sau rặng những hàng cây cối xanh rì, xung quanh có nhiều hồ nhân tạo tuyệt đẹp.
Lịch sử chùa Châu Thới Bình Dương
Sử sách ghi chép
Theo một số tài liệu ghi chép cho biết, ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng năm 1612, đầu thế kỷ 17. Do thiền sư Khánh Long trên bước đường vân du hoằng pháp lên đồi Châu Thới đã nhìn thấy cảnh sông núi hữu tình, nhà Sư đã cất một thảo am nhỏ để tu tịnh. Sau một thời gian thì thảo am được gọi với cái tên là chùa Hội Sơn và cuối cùng là chùa Núi Châu Thới.
Sách “Gia Định Thành Thông Chí ” đã viết:
“Núi Chiêu Thới (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”.
Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí”
Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” cũng miêu tả khá rõ núi và chùa Châu Thới gần giống như trên: “Núi Chiêu Thới tục gọi là núi Châu Thới, ở phía Nam huyện Phước Chính 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh thành. Khoảng giữa núi Chiêu Thới có am Vân Tĩnh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, di chỉ nay vẫn còn. Đột khởi một gò cao bằng phẳng rộng rãi, ở bên có hang hố và nước khe chảy quanh, nhà của nhân dân ở quanh theo. Trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long trác tích tu hành. Năm Bính Thân, đạo Hoà Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ Châu Thới tức là chỗ này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đem núi này liệt vào tự điển”.
Lưu truyền
Nhưng cũng có cứ liệu cho thấy chùa núi Châu Thới lập vào năm 1681 là thời điểm hợp lý hơn cả. Nhưng cho dù được thành lập vào năm 1681, chùa núi Châu Thới ở huyện Dĩ An hiện nay vẫn là ngôi chùa xưa nhất Bình Dương và được hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam Bộ.
Trải qua thời gian
Giá trị lịch sử trong chiến tranh
Bên cạnh những giá trị lịch sử tôn giáo, chùa Châu Thới còn mang những giá trị lịch sử cách mạng của vùng đất Dĩ An. Trong kháng chiến chống Pháp, dựa vào thế núi và ngôi chùa Châu Thới là nơi trú ẩn, hội họp của các nhà hoạt động cách mạng.
Với địa thế hiểm yếu lại có các vị sư yêu nước, do đó rất thuận lợi làm điểm hội họp, dừng chân, ẩn náu; chùa Châu Thới đã từng là nơi luyện tập võ nghệ của các hội viên “Thiên địa hội”, nơi dừng chân của quân Đào Tây Sơn và là nơi lánh nạn của các chiến sĩ cách mạng. Các nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ như Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Tấn Phát cũng từng đến chùa và hoạt động tại đây.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, các chư tăng ở đây đã ủng hộ tiền, gạo, vải, thuốc cho bộ đội; lúc cần kíp chùa Châu Thới đã ủng hộ cả Đại Hồng Chung để công binh xưởng đúc đạn đánh giặc…
Giữ gìn giá trị lịch sử
Trải qua hơn ba trăm năm lịch sử đầy biến động, chịu bao hủy hoại tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa núi Châu Thới nay không còn giữ được dấu tích, di vật nguyên thủy của một chùa cổ được hình thành vào hàng sớm nhất Nam Bộ. Hiện Chùa là một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau: gồm ngôi chánh điện, các điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ở đây còn cho thấy rõ nét sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian như phần đông các ngôi chùa Phật giáo ở nước ta.
Thời kỳ hòa bình
Vào năm 1988, Chùa đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa Thiên Mụ (Huế) nặng 1,5 tấn, cao 2 mét, đường kính 1m2, đặt trên chiếc giá chuông bằng gỗ lim do nghệ nhân Bình Dương chạm trổ các hoa văn đẹp. Những năm 1996 – 1998, Chùa tổ chức đúc thêm bảy tượng Phật bằng đồng, xây dựng một bảo tháp gồm nhiều tầng lầu cao 24 mét. Năm 2002, bên phải ngôi chùa xây dựng công trình gồm một trệt một lầu và bên trên sân thượng có xây bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng cao 3 mét, nặng 3 tấn.
Chùa châu thới hiện nay
Đến nay, Chùa không còn lưu giữ được đầy đủ những long vị và Tháp của các vị thiền sư khai sơn mà chỉ thờ các tổ bằng tượng gỗ chạm và một số long vị của các hoà thượng đời sau này. Về số cổ vật có giá trị đã được xếp loại tại chùa núi Châu Thới hiện nay còn lưu giữ được 55 hiện vật (đứng nhì trong các ngôi chùa trong tỉnh).
Đường đi đến chùa Châu Thới Bình Dương
Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30Km về hướng Đông Bắc, bạn có thể đến chùa Châu Thới với chưa đầy 1 tiếng đồng hồ lái xe, chùa nằm cách thành phố Thủ Dầu Một 20Km về phía Tây, ngôi chùa tiếp giáp với sông Đồng Nai và nằm trên trục đường lớn nối Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu. Nhờ có vị trí thuận lợi nên ngôi chùa thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan và cúng viếng.
Đi bằng xe ô tô, xe máy
Đi theo hướng quốc lộ 1A
Đầu tiên, hãy chạy dọc theo đường Trường Chinh đến xa lộ Hà Nội, tiếp tục đi thẳng theo xa lộ Hà Nội và nối đến quốc lộ 1K thì bạn sẽ đến ấp Châu Thới, xã Bình An, thành phố Dĩ An. Sau đó, bạn đi tiếp theo tuyến đường lộ lớn sẽ thấy được núi Châu Thới tại xã Bình Thắng. Đến dưới chân núi bạn sẽ có hai sự lựa chọn: Bạn sẽ gửi xe tại các khu gửi xe dưới chân núi, nhớ hỏi giá cả trước khi gửi xe nhé và leo 220 bậc thang để lên núi Châu Thới, hoặc bạn sẽ chạy thẳng tới một chút sẽ có đường dẫn đến chùa Châu Thới.
Đi theo hướng đường Phạm Văn Đồng
Nếu bạn dễ dàng kết nối với đường Phạm Văn Đồng thì việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn nhiều, vì đường Phạm Văn Đồng chạy thẳng là tới quốc lộ 1K. Chỉ cần đi thẳng đường Phạm Văn Đồng hướng về Bình Dương là bạn sẽ đến quốc lộ 1K, đi thêm 1 đoạn sẽ thấy núi Châu Thới phía bên tay phải
Đi bằng xe bus
Xe buýt: Bạn sẽ đi từ bến xe miền Tây, bắt xe buýt số 601 để di chuyển đến thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, thời gian di chuyển khoảng 60 phút. Đến được thành phố Biên Hòa bạn sẽ bắt tiếp xe số 5 đi hướng Biên Hòa – Chợ To, tuyến xe này có trạm dừng tại núi Châu Thới và thời gian dịch chuyển tầm 10 phút.
Đường đi lên chùa Châu Thới
Khi đi tới chân núi Châu Thới từ đây, du khách sẽ có 2 lựa chọn để lên tới chùa Châu Thới:
- Một là đi bộ leo lên 220 bậc thang xi măng, vừa leo núi vừa ngắm cảnh thiên nhiên xanh mát.
- Hai là chạy xe thêm một đoạn nữa sẽ thấy con đường dành cho xe đi thẳng lên núi.
Thăm quan chùa Chùa Châu Thới
Bắt đầu hành trình
Ngôi chùa là một địa điểm du lịch thu hút rất nhiều khách thập phương tới tham quan bởi không gian huyền ảo và lối kiến trúc độc đáo với nhiều công trình nổi bật. Ngoài ra, do nằm gần các khu vui chơi nghỉ mát khác như chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (Biên Hòa) nên du khách sẽ rất thuận tiện cho việc tham quan, du lịch chùa.
Hòn đá linh thiêng
Khi đi bộ lên chùa Châu Thới và dừng lại ở bậc thang thứ 170, bạn sẽ nhìn thấy hòn đá Tà chắn ngang đường lúc nào cũng nhang khói nghi ngút. Hòn đá này có nhiệm vụ trấn giữ ngôi chùa. Trong quá trình trùng tu xây dựng chùa Châu Thới để tạo bậc thang lên chùa, tất cả các tảng đá đều được phá vỡ, chỉ riêng tảng đá này là không làm được. Thợ xây dựng đã tìm mọi cách có thể làm bể tảng đá như đập té lửa, cho nổ mìn nhiều lần… nhưng hòn đá này vẫn giữ nguyên. Vì vậy, sư trụ trì chùa đã cho rằng hòn đá này có nhiệm vụ trấn giữ ngôi chùa nên đã quyết định giữ lại và viết lên hòn đá vài chữ Hán có nghĩa là trấn giữ ngôi chùa.
Điện thờ
Chánh điện được thiết kế: dành phần trên thờ Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng kế thờ Phật Thích Ca; tầng dưới là nơi thờ Phật giáng sinh. Toàn bộ những tượng đồng được đúc tại Chùa, do nhóm thợ chuyên môn của xứ Huế thực hiện. Chùa còn thờ bộ thập bát La Hán và thập điện Diêm Vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo của Chùa còn lưu giữ được, cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển khá sớm. Chùa cũng còn lưu giữ được ba pho tượng Phật tạc bằng đá khá xưa (có thể vào cuối thế kỷ XVII) và một tượng Quan Âm bằng gỗ được làm bằng cây mít cổ thụ hàng trăm tuổi được trồng trong vườn chùa.
Do phải trải qua một lịch sử đầy biến động khi bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh nên đã không còn giữ được những dấu tích, di vật nguyên thủy của một ngôi chùa cổ được hình thành vào hàng sớm nhất ở vùng Nam Bộ. Hiện Chùa là một quần thể kiến trúc vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm ngôi chánh điện, điện thờ Ngũ Hành Nương Nương, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Diêu Trì Kim Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.