Đình Phú Long là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở Khu 5, khu phố Hòa Long, Phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Từ trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã Thuân An, theo Quốc lộ 13 cũ, đi về thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1 km nhìn bên phải gặp cổng chính của đình Phú Long, đi khoảng 200m sẽ đến đình.
Công trình do cư dân người Việt (thuộc tổng Bình Chánh Thượng, huyện Bình An) xây dựng vào khoảng năm 1842, Đình thờ thần “Bảo an chính trực” là Thành Hoàng Bổn Xứ có công giúp dân khai hoang lập ấp, an cư lạc nghiệp được ban sắc thần đời vua Tự Đức (thứ 5), tổng diện tích sử dụng là 5.828m2 . …
* Đình Phú Long do cư dân người Việt tại tổng Bình Chánh Thượng huyện Bình An xây dựng vào khoảng năm 1842 (có tài liệu cho là vào năm 1822 nhưng cả hai niên đại này chỉ là phỏng đoán theo sự truyền khẩu từ các vị cao niên). Nhưng chắc chắn đình có trước năm 1853 (niên hiệu Tự Đức thứ 5, năm được nhà vua phong sắc cho đình).
Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị nghệ thuật độc đáo mang đậm nét Nam Bộ. Với phong cách trang trí mỹ thuật thể hiện qua các tranh ghép gốm mang đậm nét truyền thống văn hóa dân gian.
Cuộc sống cư dân Nam Bộ gắn liền với sông nước, đình nằm trên vùng đất với phong cảnh đẹp, có nhiều cây cổ thụ che bóng mát khung cảnh yên bình, kiến trúc còn giữ được khá nguyên vẹn. Mặt tiền của đình quay về hướng Nam, không gian rộng rãi nằm dọc bờ sông Sài Gòn quanh năm đón gió mát lành là nơi yên tĩnh, lý tưởng để tịnh tâm suy nghĩ, và xoá đi lo lắng thường ngày. Chiều mát ra ngắm sông, nghỉ ngơi thư giãn cùng rất thích.
Kiến trúc đình Phú Long
Lúc đầu, đình được xây dựng bằng tre gỗ, nền đất thô sơ. Sau đó đình được trùng tu nhiều lần vào các năm 1865, 1935, 1997,… nhưng lần sửa chữa 1865 có quy mô lớn với việc xây tường bằng vôi gạch, mái lợp ngói gần giống hiện trạng ngày nay.
Kiến trúc và thiết trí ngôi đình: Đình được xây dựng kiểu chữ tam (三) theo lối “trùng thềm điệp ốc”, lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa, có mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch Tàu, tường xây gạch thẻ kiên cố và còn đầy đủ 3 gian Đông lang, Chánh điện, Tây lang với 2 hàng cột gồm 10 cây gỗ vững chắc. Đình còn có nhiều hoa văn trang trí bằng gốm sứ rất nghệ thuật và độc đáo.
Ngôi chánh điện gồm: tiền điện, trung điện và hậu điện. Tiền điện hình chữ nhật (日) kiểu nhà dân gian ba gian, hai chái. Toàn bộ mái nhà tiền điện cẩn vào bê tông bằng mảnh gốm sứ màu sắc lấp lánh, trang trí bốn Lân đứng hàng ngang hướng về trước sân đình, hai đầu hồi là hai Rồng dao; phần mái của trung điện chính giữa là hình nhật nguyệt, hai bên đầu hồi được trang trí Long, Lân, Quy, Phụng; Phần mái của hậu hậu điện cũng được trang trí hoa văn Cá Hóa Long, Lưỡng Long Tranh Châu…
Đình Phú Long được trang trí theo lối cổ lầu. Tất cả những tấm hoành phi, liễn, đối đều được sơn son thếp vàng rực rỡ, nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc. Cách trang trí chạm trổ các đề tài nổi bật lên cung cách đầy quyền lực của Rồng, sự trang trọng của Phụng, mạnh mẽ của Lân và phúc thọ của những con Hạc đứng trên lưng Rùa cổ kính, trang nghiêm.
Phần sân đình có ba cổng, bên phải là cổng Tấn điền (thêm ruộng đất), bên trái là cổng Tấn lộc (phát tài lộc), giữa là cổng Lạc phú (giàu có vui vẻ).
Đình Phú Long thời kỳ cách mạng
Từ những năm 1944 đình trở thành nơi hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng vùng Lái Thiêu (do hai bên đầu hồi chính có hai lỗ tròn có nắp đậy che nắng mua tạo thành một nóc nhà kín nên các chiến sĩ cách mạng trú đóng trên nóc này). Từ năm 1947 đến 1949 luôn có các du kích trú ẩn và là nơi trao đổi thông tin của lực lượng dân quân tự vệ và du kích.
Từ năm 1965 đến năm 1968, đình là trạm cứu thương cấp cứu cho các chiến sĩ về đánh đồn bót, chốt chặn. Là nơi tổ chức nhiều cuộc họp, chuẩn bị truyền đơn tuyên truyền, tiếp nhận lương thực thuốc men để chuyển vào căn cứ của ta.
Đình Phú Long ngày nay
Tính đến tháng 5/2022, đình Phú Long là 1 trong 3 ngôi đình ở Bình Dương được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Nếu đình Dĩ An quy mô bề thế, đình Tân An cổ kính mang đậm nét văn hoá của người Việt Nam Bộ với dấu ấn của thời hoang mở cõi thì đình Phú Long mang nhiều dấu ấn của sự giao thoa văn hoá Hoa – Việt. Ở vùng đất mà sự cộng cư của người Kinh, người Hoa đã diễn ra từ rất lâu, dấu ấn văn hoá để lại trên các cơ sở thờ tự như một lẽ hiển nhiên. Dấu ấn đó thể hiện trước tiên qua kiến trúc: đầu hồi, các bộ tiểu tượng, tranh tường vẽ các đề tài trong các điển tích… sau đó là các nghi lễ mang dấu ấn văn hoá người Việt gốc Hoa trên nền tảng văn hoá của người Việt. Đình Phú Long là địa điểm tham quan, nghiên cứu đáng quan tâm cho những ai quan tâm về văn hoá Bình Dương và Nam Bộ
Cho đến nay, đình vẫn là nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn với ý thức dân tộc mạnh mẽ qua các lễ hội. Hàng năm dân chúng tập trung về đây nhiều nhất vào ngày 17,18 tháng 8 âm lịch trong dịp lễ Kỳ Yên, cầu cho mưa thuận gió hòa.
Lễ hội
Theo thông lệ hàng năm cúng tổ Đình Phú Long được diễn ra như sau:
- Ngày 30/01 âm lịch cúng rước Ông dựng nêu mừng xuân.
- Ngày 01/5 âm lịch cúng ông Hổ.
- Ngày 24/6 âm lịch cúng ông Quan đế.
- Ngày 15/7 âm lịch cúng rằm và họp bàn giỗ tổ Ông.
- Ngày 17-18/8 âm lịch giỗ Ông (cúng Kỳ Yên).
- Ngày 15/10 âm lịch cúng rằm, họp công khai tài chính.
- Ngày 29/11 âm lịch cúng an, ngày an vị (ngày kí sắc thần).
- Ngày 25/12 âm lịch cúng đưa Ông.
- Đặc biệt, ngày lễ cúng Kỳ Yên được đáo lệ cứ ba năm cúng một lần (cúng ba ngày), có đoàn hát bội về phục vụ bà con đến viếng bái lễ thần và xem tuồng tích cổ, nhớ về cội nguồn dân tộc.